Nóng trong tuần: Sốt đất bao giờ “hạ nhiệt”?

Đất nước không thể đi lên từ “buôn đất”; Chặn tung tin thổi giá, xử nghiêm ‘cò’ đất bát nháo bán mua; Mượn quy hoạch để “thổi giá đất”; Hai bộ cùng nhiều địa phương lao vào dập, liệu “sốt” đất có hạ nhiệt… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Đất nước không thể đi lên từ “buôn đất”

Câu chuyện “sốt đất” không phải chỉ xảy ra mới đây, mà là câu chuyện dài đã diễn ra xuyên suốt trong nhiều năm qua. Sau các cơn sốt đất thường để lại nhiều hệ quả cho xã hội và không ít nhà đầu tư theo sóng.

Hiện tượng đi “buôn đất” không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà thực tế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước trong thời gian gần đây. Ví dụ gần nhất: Chỉ một mẫu tin ngắn vào buổi sáng như: “Sẽ tiến hành khởi công lại sân bay Phan Thiết trong tháng…” trên truyền thông là y như rằng sẽ có đội ngũ “đội lái” có mặt ngay chiều hôm đó ở Phan Thiết.

Kiểm soát tín dụng, quản lý chặt việc cấp đất trước tình trạng sốt đất

Hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế, mà nguyên nhân là do lãi suất thấp và công tác quản lý đất đai.

Trao đổi tại buổi họp báo chiều tối ngày 31/3 diễn ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, bên cạnh các thông tin tích cực về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I/2021, còn nhiều vấn đề cần quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, mà trong đó, ông đặc biệt lưu ý tới hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực, “tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế”.

sotdatao

“Ôm” đất chờ làng… lên phố

Thời gian gần đây, giới đầu tư bất động sản (BĐS) liên tục đổ dồn về huyện Cần Giờ (TP.HCM) săn đất. Theo quy hoạch phát triển Vùng kinh tế TP.HCM, huyện Cần Giờ là một trong số các đô thị vệ tinh. Ngoài đô thị Bình Khánh đã được xác định trong quy hoạch cũ, sẽ phát triển thêm đô thị đặc thù ở Cần Thạnh. UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương xây dựng cầu Bình Khánh nối quận 7, Nhà Bè với Cần Giờ.

Trước những dự án lớn đã được phê duyệt, giá đất ở Cần Giờ trong thời gian gần đây đã được đẩy lên chóng mặt. Điển hình giá đất tại 3 khu vực sầm uất của huyện Cần Giờ là Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa có mức tăng từ 200 – 300%. Nhiều con đường ở Cần Thạnh đã tăng giá khoảng 100 – 200% như: đường Đặng Văn Kiều, đường Tắc Suất, đường Duyên Hải, đường Rừng Sác… so với thời điểm trước đó.

Hai bộ cùng nhiều địa phương lao vào dập, liệu “sốt” đất có hạ nhiệt?

Trước việc giá đất ở nhiều nơi tăng cao đột biến, gây hiện tượng “sốt ảo”, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã đề nghị các địa phương chấn chỉnh và gửi báo cáo kết quả về Bộ này trước ngày 31/5.

Theo Bộ này, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến, gây nên hiện tượng “sốt ảo”, làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế – xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư. Trước tình trạng “sốt” đất khắp nơi, Bộ Xây dựng cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương.

Bộ Xây dựng: Chặn tung tin thổi giá, xử nghiêm ‘cò’ đất bát nháo bán mua

Theo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã, đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới BĐS lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương…

Mục đích của việc này là để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

Chiêu trò bán đất nền ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi’ vẫn khiến nhiều người sập bẫy

Quan niệm giá trị đất đai luôn tăng theo thời gian là yếu tố khiến không ít nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền mua đất nền. Trong giao dịch đất nền, có những chiêu trò tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người “tiền mất tật mang”.

Được nghe nhiều chiêu trò khi mua bán đất nền nhưng mới đây bà N.T.N (ngụ TP.Vũng Tàu) mới được trải nghiệm. Cuối tháng 3/2021, bà N. tham gia lễ mở bán dự án đất nền Thành Đô Smart City toạ lạc tại xã Nghĩa Hành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, của Công ty CP Địa ốc Thành Đô (Công ty Thành Đô.

Đặt cọc lướt sóng đất nền: Nhà đầu tư mất ăn mất ngủ lo “đẩy” hàng

Đầu tháng 3/2021 chị Trang và bạn thân rủ nhau đặt cọc “lướt sóng” 5 lô đất dự án ven khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đã gần một tháng trôi qua hai người vẫn chưa tìm được khách để “đẩy” hàng. Nếu sau một tháng “cọc” chị Trang không đẩy được hàng có nghĩa chị sẽ phải xuống tiền đóng theo tiến độ từ phía chủ đầu tư thông báo.

Thông thường, tại mỗi dự án khi chủ đầu tư thông báo thì nhà đầu tư sẽ bỏ phiếu thầu. Nhà đầu tư chỉ cần xuống tiền cọc khoảng 50 triệu/lô để giữ chỗ. Sau khi trúng thầu, nếu có nhiều khách hàng quan tâm, giao dịch diễn biến như dự tính, họ sẽ bán sang tay ngay sau đó với số tiền chênh từ 50 đến 100 triệu, thậm chí có lô đẹp chênh tới 200 triệu/lô. Tuy nhiên, “cuộc đời không như là mơ”, không phải lúc nào kiếm tiền cũng dễ như mình tính.

Mượn quy hoạch để “thổi giá đất”

Theo một số chuyên gia tư vấn, chiêu thức này cũng được giới nhà đất Khánh Hòa, Ninh Bình ráo riết triển khai kể từ cuối năm Canh Tý vừa qua, khiến thị trường nhà đất trên địa bàn nhanh chóng “tăng nhiệt”.

Ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ sau một tuần lễ có thông tin, nhiều khu vực đất vùng ven thành phố Huế đã rục rịch báo giá đất phân nền tăng đến 1,5 lần so với cuối năm 2020. Theo một lãnh đạo sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, cách vận dụng các thông tin chính sách, điều chỉnh quy hoạch của các địa phương từ Trung ương và từ chính các chính quyền địa phương để tạo cơ sở cho các thông tin đồn thổi trên thị trường là không hề mới mẻ..