Địa ốc Bình Dương: Người hối hả, kẻ thong dong

Tại Bình Dương, không ít doanh nghiệp địa ốc bị xử phạt vì “ăn cơm trước kẻng”, nhưng cũng có nhiều dự án nằm “bất động”, dù đã được cấp phép.

Toan_canh

Nhiều dự án bị “tuýt còi”

Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp tại Bình Dương đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì xây dựng trái phép.

Chẳng hạn, với việc Công ty cổ phần C-Holdings tổ chức xây dựng trái phép phần hầm móng tại công trình Dự án C-River View (phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Thanh tra Sở Xây dựng vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm.

Quá trình kiểm tra thực tế, Thanh tra Sở Xây dựng xác định, dù chưa có giấy phép xây dựng, Công ty cổ phần C-Holdings vẫn tiến hành tổ chức thi công khối A và khối B phần ngầm. Cơ quan Thanh tra đã phạt 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư Dự án C-River View trong vòng 60 ngày phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn 60 ngày, nếu Công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng, thì sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Hay gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư Đạt Phước cũng đã bị UBND tỉnh Bình Dương xử phạt 150 triệu đồng vì xây dựng không phép tại Dự án Rivana, tọa lạc ngay mặt tiền Quốc lộ 13.

Ngoài 2 trường hợp trên, còn khá nhiều dự án khác tại Bình Dương bị xử lý như Khu dân cư Thương mại Dịch vụ Đông Bình Dương, Khu phức hợp Charm Plaza, Dự án Biconsi Riverside, Khu nhà ở thương mại – dịch vụ Contentment Plaza (Roxana Plaza)…

Những dự án rùa bò

Trên thị trường vẫn có không ít dự án đã được phê duyệt, nhưng tiến độ triển khai rất chậm.

Chẳng hạn, Dự án Khu căn hộ thương mại và khu căn hộ cao tầng Splus (Splus Riverview) tại Thuận An đã được phê duyệt Đồ án Quy hoạch tổng mặt bằng từ năm 2019, Dự án Khu dịch vụ thương mại và Căn hộ cao tầng Stown Gateway đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ đầu tư và đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch Tổng mặt bằng từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống. Thậm chí, có khách hàng đăng ký mua nhà trước đó còn đề nghị thanh lý hợp đồng, yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền, vì không thấy dự án chuyển động.

Được biết, hai dự án trên đều do Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư STC (gọi tắt là Công ty STC) làm chủ đầu tư. Để có thông tin đa chiều và chính xác, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ tới công ty này để trao đổi, nhưng không được.

Cũng tại Bình Dương, Dự án Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp do Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu làm chủ đầu tư đã “ngủ quên” nhiều năm nay.

Cụ thể, dự án được phê duyệt vào năm 2012 theo Quyết định 1192/QĐ-UBND, với các công trình gồm nhà liền kề, khu nhà ở xã hội, công trình giáo dục, thương mại dịch vụ, công trình giao thông, cấp thoát nước… Tuy nhiên, suốt một thời gian dài sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư không triển khai dự án. Đến đầu năm 2018, sau động thái bơm cát để huy động nguồn tiền từ khách hàng, Dự án tiếp tục án binh bất động.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thực trạng trên, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng luật Thanh Niên cho biết, có rất nhiều lý do khiến doanh nghiệp thong dong trong việc triển khai dự án. Trong đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp không đủ khả năng cả về con người lẫn tài chính để thực hiện. Thậm chí, không ít doanh nghiệp xin đất rồi tìm cách bán lại cho doanh nghiệp khác để kiếm lời.

Nguồn: https://dautubds.baodautu.vn/dia-oc-binh-duong-nguoi-hoi-ha-ke-thong-dong-d140084.html