“Tiền mất tật mang” vì đầu tư shophouse mập mờ pháp lý

Mục lục

    Nhà phố thương mại – shophouse hiện đang được xem là sản phẩm có sức hút lớn đối với giới đầu tư vì khả năng thanh khoản tốt do số lượng shophouse thường hạn chế lại nằm ở những vị trí đẹp, nhiều tiện ích. Mặc dù vậy khách hàng đầu tư shophouse vẫn có thể gặp phải tình trạng “tiền mất tật mang” nếu mua phải những shophouse mập mờ về pháp lý. 

    Nở rộ căn hộ shophouse

    Shophouse(hay còn gọi là nhà phố thương mại) là mô hình nhà ở kiểu mới(vừa dùng để ở, vừa kinh doanh). Loại hình bất động sản này khá phổ biến ở những quốc gia phát triển và chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong 5 năm trở lại đây nhưng đã nhanh chóng nở rộ, trở thành xu hướng đầu tư mới trên thị trường.

    Shophouse không chỉ nở rộ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn phát triển mạnh ở nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hải Phòng,…

    Sở dĩ đầu tư shophouse đang trở thành xu hướng là vì số lượng shophouse trong các khu đô thị rất hạn chế lại nằm ở những vị trí trung tâm, có thể kinh doanh và tận dụng để ở. Chẳng hạn Khu đô thị Phú Mỹ HUD Đà Nẵng, cả dự án rộng 122,8ha mà chỉ có duy nhất 100 căn shophouse lại nằm ngay trên trục đường rộng 50m. 

    Dù cho giá đầu tư shophouse cao hơn so với căn hộ, nhà phố thông thường nhưng vẫn rất được ưa chuộng nhờ có tính thương mại và khả năng thanh khoản cao. 

    Dự đoán trong tương lai tới, shophouse vẫn là loại hình bất động sản được nhà đầu tư ưa chuộng bên cạnh đất nền.

    Cẩn trọng “tiền mất tật mang” vì đầu tư shophouse mập mờ pháp lý

    Nhu cầu mua shophouse để kinh doanh, đầu tư đang ngày càng tăng cao. Nắm bắt được điều này, các ông lớn bất động sản không ngừng chạy đua liên tục để cung ứng ra thị trường các dự án shophouse của mình. Thậm chí cả những dự án chưa minh bạch về pháp lý cũng được rao bán một cách rầm rộ. 

    Nhiều khách hàng vì không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi xuống tiền đầu tư shophouse vô tình trở thành nạn nhân của các dự án không minh bạch về pháp lý. Từ đó dẫn đến hàng trăm vụ tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư và giữa khách hàng này với khách hàng khác.

    Các rủi ro về pháp lý mà khách hàng thường gặp phải khi đầu tư shophouse bao gồm:

    + Tiến độ xây dựng dự án không đúng như cam kết trong hợp đồng của chủ đầu tư với khách hàng

    + Dự án ma, thường là những bãi đất hoang được chủ đầu tư vẽ thành các dự án khu đô thị hình thành trong tương lai rồi nhận tiền đặt cọc của khách hàng trong khi dự án chưa được triển khai, thậm chí là chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. 

    + Bán trùng 1 căn shophouse cho nhiều khách hàng.

    + Mua phải các căn shophouse đang thế chấp ngân hàng.

    + Chủ đầu tư quảng cáo sai thời gian sở hữu shophouse. Một số căn shophouse chỉ có quyền sở hữu 50 năm nhưng chủ đầu tư quảng cáo sở hữu vĩnh viễn.

    Đầu tư shophouse cần lưu ý gì để không dính “bẫy” pháp lý

    Pháp luật hiện hành vẫn chưa có các quy định cụ thể về shophouse. Vì vậy mà thủ tục mua bán shophouse cũng tương tự như các loại hình bất động sản khác.

    Hiện tại có 2 loại hình nhà phố thương mại với 2 thời hạn sở hữu khác nhau như sau:

    + Shophouse khối đế tòa nhà chung cư: thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu là 50 năm.

    + Shophouse nằm tại các dãy nhà phố, khu biệt thự liền kề trong khu đô thị: được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu lâu dài(vĩnh viễn).

    Để hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh khi đầu tư shophouse, khách hàng cần chú ý đến một số điều sau đây:

    Thứ nhất, chủ đầu tư phải có giấy chứng nhận kinh doanh ngành nghề bất động sản. Giấy này đảm bảo chủ đầu tư có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng và kinh doanh bất động sản.

    Thứ hai, chỉ đầu tư shophouse đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(tức sổ đỏ) hoặc quyền thuê đất của chủ đầu tư. Bởi khi dự án có đầy đủ giấy chứng nhận cũng đồng nghĩa là đã giải phóng xong mặt bằng, đất xây dựng là “đất sạch”, không có tranh chấp pháp lý về sau. 

    Sổ đỏ cũng chứng minh dự án đang không bị thế chấp tại ngân hàng.

    Thứ ba, đầu tư shophouse thuộc những dự án đã có giấy phép xây dựng. Hiện nay có không ít dự án xây dựng không phép, bị đình chỉ thi công dẫn đến chậm tiến độ.

    Thứ tư, chủ đầu tư phải có hồ sơ xác nhận đã hoàn thành các nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, các khoản thuế liên quan đến đất. Tránh trường hợp không thể làm sổ đỏ do chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

    Điều quan trọng là chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối phải luôn có sẵn những giấy tờ này để khi khách hàng yêu cầu thì họ phải xuất trình được. Khách hàng đầu tư shophouse cũng nên đối chiếu thông tin từ chủ đầu tư cung cấp với thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên, Sở Kiến trúc Quy hoạch,…

    Nắm rõ một số lưu ý quan trọng về pháp lý khi đầu tư shophouse sẽ giúp quá trình mua bất động sản của các bạn trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.